THỞ 4 THÌ

“Trong bài “Phương thuốc ‘4 trong 1’” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 15-9-2019 có nói về phép luyện thở 4 thì theo phương pháp dưỡng sinh của BS Nguyễn Văn Hưởng. Xin cho hỏi, phương pháp luyện thở 4 thì được thực hiện như thế nào và mang lại hiệu quả chữa bệnh ra sao? (Mỹ Vân, Hòa Vang, Đà Nẵng).

GS.BS, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998), người sáng tạo phương pháp Thở 4 thì.
GS.BS, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998), người sáng tạo phương pháp Thở 4 thì.

– Thở 4 thì (còn gọi 4 thời) là phương pháp luyện tổng hợp về hô hấp – tuần hoàn – thần kinh, trong đó luyện thần kinh là chủ yếu, điều hòa hai quá trình hưng phấn và ức chế. Thở 4 thì do BS. Nguyễn Văn Hưởng sáng tạo, được nhiều tài liệu hướng dẫn. Như bài “Thở 4 thì trong phương pháp dưỡng sinh của BS Nguyễn Văn Hưởng” đăng ở trang 14 Tạp chí Thuốc và Sức khỏe số 295 ra ngày 1-11-2005.

Theo đó, công thức thở 4 thì đơn giản, dễ nhớ, ai cũng có thể thực hiện:

* Thì 1: hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và cứng. Thời gian 1/4 hơi thở.

“Hít vào bụng nở ngực căng” để chủ động về lưu lượng và đảm bảo hơi vào sâu tối đa đến tận cùng các phế nang ở các vùng chóp phổi, thân phổi và đáy phổi, ngực nở tối đa, bụng phình song phải bảo đảm cứng, nghĩa là các cơ bụng, cơ hông, cơ đáy chậu phản ứng trở lại cơ hoành để kìm phủ tạng không bung ra.

Lúc này ở bụng có áp suất dương và ở ngực có áp suất âm, giúp máu về tim phổi dễ dàng.


* Thì 2: Giữ hơi, cơ hoành và các cơ lồng ngực đều co thắt tối đa, thanh quản mở, giơ chân dao động rồi để chân xuống. Thời gian 1/4 hơi thở.

“Giữ hơi cố gắng hít thêm”, là thì khó nhất và phức tạp nhất vì nó tăng hiệu suất của hơi thở, hoàn chỉnh việc trao đổi khí oxygen và carbonic, tăng cường sức chủ động của cơ thể, luyện ý chí của con người.


Sau thì 1, muốn giữ cho thanh quản mở, ta cố hít thêm tối đa, các cơ thở đã co thắt thì tiếp tục co thắt thêm nữa. Thanh quản đã sẵn mở ta cũng tiếp tục giữ cho nó mở, các lõm ở cổ cũng vẫn lõm như trước, không phình ra. Mặt không đổi sắc, không đỏ gay, áp suất không tăng trong phổi, không chóng mặt, không nhức đầu, không tức ngực.

* Thì 3: Thở ra thoải mái, tự nhiên, không kìm, không thúc. Thời gian 1/4 hơi thở.

“Thở ra không kìm không thúc”. Tất cả các cơ hoàn toàn buông xuôi. Thở ra tự nhiên, thoải mái, nhờ sức nặng và tính đàn hồi của ngực bụng làm cho nó xẹp xuống, nên chỉ thở ra ở mức gần triệt để (không ép bụng, ép ngực để thở ra triệt để). Người cảm thấy dễ chịu khỏe khoắn.

* Thì 4: thư giãn hoàn toàn, có cảm giác nặng và ấm. Tự kỷ ám thị: tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân tôi nặng và ấm. Thời gian 1/4 hơi thở.

“Nghỉ thời nặng ấm tay chân” là thời kỳ nghỉ hoàn toàn.

Trong kỹ thuật thở này, thời gian của 4 thì phải bằng nhau để lập lại quân bình giữa hưng phấn và ức chế, thì 2 rất quan trọng vì nó luyện thần kinh, ý chí làm chủ hơi thở. Thời gian của mỗi hơi thở không thể định trước một cách chủ quan mà phải dựa trên cảm giác của cơ thể thấy khỏe (vì đủ oxygen) thì tự nhiên nhịp thở chậm lại. Thông thường, ban đầu thở khoảng 15 lần một phút, về sau giảm xuống còn 12 lần, 10 lần, 8 lần… Khi thở đúng kỹ thuật, đủ oxygen thì không có hiện tượng ngộp hơi, ngáp, buồn ngủ, nhức đầu. Cảm giác tốt nhất là sảng khoái và nóng bừng toàn thân.

Phương pháp Thở 4 thì của BS Nguyễn Văn Hưởng nếu tập đúng sẽ cho hiệu quả rất cao và an toàn. Sức vận động cơ bắp tăng, tinh thần sảng khoái và cường độ làm việc trí não cũng được nâng cao.

Theo báo Đà Nẵng

Bookmark the permalink.