SỨC KHỎE VÀ TÂM TỊNH

peace

Một người bạn chuyển gởi bài viết của một nhà sư về Đông Y Dược. Tác giả quả quyết rằng nguồn gốc của sức khỏe thực sự là “tâm tịnh”. Khi khí huyết không đầy đủ, kinh mạch không thông suốt thì bệnh tật phát sinh. Giận nhiều hại gan, dâm nhiều hại thận, ăn nhiều hại ruột, ưu tư hại bao tử, phẫn nộ hại tim, sầu muộn hại tinh thần. Tệ nhất là hận thù, ghen tị… mầm mống của ung thư, bứu hạch…  Theo ông, nguyên lý căn bản của thiên nhiên là nếu còn bản chất tham , sân, si; con người không thể đạt được tâm tịnh. Và luật nhân quả rồi cũng thể hiện ngay trong đời mình.

Trên hết, tác giả còn nêu ra một nhu cầu cho sức khỏe là “phải vượt qua mọi nỗi sợ: sợ chết, sợ đau, sợ khổ, sợ mất mát, sợ thay đổi, sợ …vợ, sợ con, sợ nhân tình.. v.v…..

Bài viết không phải là một biện giải với nhiều bằng chứng khoa học; nhưng đọc xong, tôi thấy đồng cảm vô cùng trên nhiều bình diện, từ lý trí đến trực giác.

Ba năm nay, tôi liên miên bị bệnh tật lớn-nhỏ hành hạ, đủ loại, đủ kiểu. Chữa xong đám cháy này thì đám khác lại kêu gào. Nếu không có ý chí và kiên nhẫn học từ các thất bại 70 năm qua, có lẽ tôi đã mệt mỏi bỏ cuộc. Nhưng tất cả những rắc rối đó, có thể giải thích thật đơn giản: vì tâm mình chưa tịnh, chưa bình an? vì trong lòng vẫn còn nhiều độc tố của tham, sân, si?

Nói thì dễ, nhưng khi tôi trẻ hơn, với một tính xấu (?) luôn thích tìm tòi, thử nghiệm…để cố khám phá một chân trời nào mới lạ hơn, thì tâm tịnh là điều không tưởng. Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ khác cũng chia sẻ vấn nạn này. Cho nên, nếu để tránh mọi bệnh tật với một tâm linh phải “hư không hóa”, có lẽ nhiều người đành phải “chọn” bệnh tật vậy?

Ngay cả trong tuổi già, dù mọi tham, sân si gần như đã biến mất, tâm tịnh vẫn là một trạng thái khó đạt. Lấp ló ở phòng đợi của “thiên đường”, tôi vẫn thấy mình không sao thoát tục được. Vẫn còn chút giận dữ khi nhìn cái ngu xuẩn, của mình hay của người thân yêu, đêm đêm vẫn chút buồn với những giấc mơ không đạt đến, và ngày ngày vẫn chút ghen tị với sức khỏe của những người đồng lứa tuổi. Dĩ nhiên, tôi hiểu đây là cái giá phải trả cho cái tính cầu toàn…nhưng thay đổi quán tính của 70 năm vẫn là thử thách quá lớn.

Tuy nhiên, ở một lăng kính khác, tôi nghĩ tâm tịnh cũng cần một chút “nhân tính” để cân bằng.

Đừng cảm xúc quá độ đễ phẫn nộ hủy hoại trái tim, để trầm cảm tàn phá bao tử, hay để hận thù tạo nên ung thư…nhưng một con người “hạnh phúc” vẫn cần biết hoan lạc với một bản nhạc tuyệt vời, vẫn buồn nhớ xa xôi khi trời đổ mưa rào hay vẫn ham muốn lan man khi thả hồn theo mộng? Đời sống dù ở lối đi chậm nhất vẫn cần hơi thở hay di chuyển.

Năm ngoái, có chút thì giờ, tôi bay lên Omaha, Nebraska dự đại hội thường niên của Berkshire Hathaway. Cái đinh của sự kiện luôn là sự xuất hiện của thần tượng Warren Buffett trước sự cổ võ nồng nhiệt của hơn 40 chục ngàn cổ đông hiện diện. Khi bước lên sân khấu, ngài Buffett, có Bill Gates lẽo đẽo theo sau, vẫy tay cười tươi với cả vận động trường. Theo truyền thống, ông quăng một tờ báo vào 1 căn nhà do công ty Clayton của ông xây mẫu, nó rơi khá xa cho thấy sức ném của ông già. Ông la lớn,” Hello and Welcome Again” về phía VIP section, cho thấy tiếng nói còn nhiều sinh lực.

Nhìn ông, tôi không còn cái ấn tượng ngưỡng mộ về thành tựu hay tài sản hay danh tiếng của ông như những năm trước khi tôi còn trẻ và đầy tham vọng. Tôi chỉ có chút ganh tị là sao ông già hơn tôi 15 tuổi mà ông có thể khỏe mạnh và yêu đời đến vậy? Cảm giác này cũng hiện hữu khi tôi gặp chủ nhân một quán cà phê ở Little Saigon. Ông đã 82 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc…với một cánh tay rắn chắc và một cơ bắp nổi cộm từ eo bụng. Đây là những lúc tôi thấy mình thấp kém hơn nhiều người khác.

Từ những khoảnh khắc này, tôi mới hiểu lòng tham là một phần của sự sống. Đó là khởi đầu của mọi thứ xấu xa nhất, cũng như êm đẹp nhất, tùy lựa chọn và tùy thời điểm. Tôi thấy mình không còn tham muốn chút gì về quyền lực, danh tiếng, tiền bạc hay nhục dục, nhưng trong cái tuổi 70, mình vẫn ham muốn một sức khỏe dồi dào, sung mãn. Nó cho phép ta tận hưởng những thú vui, dù đơn giản và nhỏ nhặt, nhưng lại là lẽ sống để “moving on”, ngày qua ngày.

Sau cùng, biện luận theo trái tim và trực giác khác với phân tích sâu xa của lý trí. Có thể tâm tịnh chỉ là một hình thái của placebo effect trong việc chữa trị bệnh. (Placebo effect là một hiện tượng tâm lý hay dùng trong các thử nghiệm y học. Một nhóm người nghĩ là mình được điều trị bằng dược phẩm vẫn có thể tìm thấy tác dụng tích cực, dù rằng thực sự họ chỉ đã dùng nước lạnh hay thuốc ảo, không có một chất trị liệu nào). Nếu tịnh tâm chỉ là một tác động tâm lý thì nguồn gốc của bệnh tật vẫn là hữu cơ?

Một anh bạn lớn hơn tôi 5 tuổi, hăng say công việc, đi về châu Á liên tục như một executive mới hơn 30 tuổi. Anh nói kết quả không thành vấn đề, nhưng nếu không có cái đam mê kinh doanh này, chỉ ngồi thiền nhìn biển núi như một tu sĩ, chắc anh chết sớm theo vợ. Anh chắc chắn rằng tâm tịnh chỉ làm anh rối thêm. Cuộc sống bận rộn, nhiêu khê, áp lực…lại là “perfect” với anh, một lựa chọn lạ ở tuổi 75. Có lẽ DNA của anh đã được cấu trúc theo định mệnh này?

Nhưng dù thế nào, tâm tịnh vẫn là yếu tố quan trọng trong việc phát triển con người toàn diện của mình. Tâm có tịnh, tầm nhìn mới thông suốt và môi trường chung quanh hiển thị rõ hơn con đường đang chọn. Tâm có tịnh, mới gạn lọc đầy đủ kiến thức thật khách quan, khoa học, không để mây mù của cảm xúc, thiên kiến, giáo điều…vẩn đục. Tâm có tịnh, tinh thần mới sáng suốt minh mẫn để nhận ra những cạm bẫy của quyền lực tha hóa, ngụy trang dưới những chiêu bài tốt lành. Tâm có tịnh, sự hòa nhập vào Vũ Trụ mới thực sự được khơi dậy để biết định vị cho số phận nhỏ bé của kiếp người.

Tôi đành an ủi mình với câu nói về “tĩnh lặng” của Robert Kennedy,” Đôi khi chúng ta mong ước được sống ở một thế giới bình lặng hơn, nhưng không được. Nếu thời đại chúng ta có nhiều khó khăn và phức tạp; nó cũng chứa đựng nhiều thử thách và cơ hội”. (All of us might wish at times that we lived in a more tranquil world, but we don’t. And if our times are difficult and perplexing, so are they challenging and filled with opportunity).

(Bài viết của tác giả: Alan Phan, Nguồn: gocnhinalan.com)

Bookmark the permalink.