TIẾNG VIỆT – TÂM HỒN VIỆT- NHÂN CÁCH VIỆT

 

Nội kể con nghe : “ Ngày xửa ngày xưa , ở miền đất Lạc Việt có một vị thần thuộc nòi Rồng,tên là Lạc Long Quân. Trong một lần lên cạn giúp dân diệt trừ yêu quái , Lạc Long Quân đã gặp và kết duyên cùng nàng Âu Cơ vốn thuộc dòng họ Thần Nông,sống ở vùng núi cao phương Bắc. Sau đó Âu Cơ có mang, nàng đẻ ra cái bọc một trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm người con. Vì Lạc Long Quân không quen sống trên cạn nên 2 người đã chia tay nhau,người lên rừng, kẻ xuống biển, mỗi người mang theo năm mươi người con.

 

Người con trưởng theo Âu Cơ, được lên làm vua , xưng là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Khi vua cha chết thì truyền ngôi cho con trưởng, từ đó về sau, cứ cha truyền con nối đến mười tám đời, đều lấy hiệu là Hùng Vương.”

Nội ơi… nhưng… mà con …con buồn ngủ , con nhớ mẹ con .
Ngoan nào, nội thương:

” À ơi, ru con, con ngủ cho lâu
Để mẹ đi cấy ruộng sâu lâu về
Ru con, con ngủ cho mê
Mẹ còn lo chuyện lê thê kéo cày
Ru con, con ngủ cho say
Mẹ còn vất vả chân tay ngoài đồng
Ru con, con ngủ cho nồng
Mẹ còn nhổ mạ trả công cho người . ”

 

Vậy đấy, tuổi thơ của tôi lớn lên trong những câu chuyện cổ tích, trong những khúc hát ru của nội. Hồi tôi còn nhỏ xíu, chân đi còn chưa vững,bố mẹ đã đi làm ăn xa xứ . Lúc ấy tôi còn quá bé bỏng để nhậngiọng nói hayhững câu chuyện, những lời ru của bà,những câu chuyện,lời ru cất lên bằng tiếng mẹ đẻ – TIẾNG VIỆT , lúc ấy tôi chỉ cảm thấy mình hạnh phúc, an toàn và ấm áp từ từ ngủ say trong vòng tay nội…

 

Nội tôi đã mất . Tôi yêu và thương nội nhiều lắm, nội ra đi mang theo nỗi niềm thương nhớ vô bờ bến của tôi,song chợt nhớ đến quy luật đời người: sinh,lão , bệnh, tử tôi đành dằn lòng mình chấp nhận . Nhớ về nội , tôi nhớ ngay đến những lời ru, những câu chuyện nội kể . Và từ đấy , tình yêu Tiếng Việt trong tôi ngày càng lớn dần lên .

“Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm 
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về 
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm 
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

 

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng 
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya 
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng 
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê. “
( trích “ Tiếng Việt “ – Lưu Quang Vũ )

 

Chính đời sống sinh hoạt, lao động của người Việt đã hình thành và nuôi dưỡng nên tiếng nói dân tộc . Tiếng Việt được cất lên từ trong hoàng hôn, trên những cánh đồng xa, dòng sông trắng, trên những hàng cau tre,nó cũng được ngân lên từ sự lấm láp, nhọc nhằn và lam lũ của đời sống lao động , từ những tâm tình ngọt ngào,sâu lắng của người Việt. 

Tôi tự hào là một sinh viên Đại học Hà Nội –1 ngôi trường có rất nhiều bạn sinh viên nước ngoài đến du học . Tôi may mắn có cơ hội được tiếp xúc với các bạn. Khi được hỏi các bạn cảm nhận như thế nào về Tiếng Việt , hầu hết các bạn đều cho tôi câu trả lời : Tiếng Việt khó. Lúc đó tôi chỉ cười và nói Tiếng Việt không khó . Hãy yêu Tiếng Việt của chúng tôi bằng cả trái tim các bạn sẽ thấy nó thật đẹp , nó đẹp 1 vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng nhưng cũng không kém phần mặn mà, đằm thắm như tà áo dài Việt vậy, mộc mạc mà dịu dàng, tha thướt.

 

Trên thực tế , các nhà ngôn ngữ học đã xếp Tiếng Việt thuộc loại 1 trong những ngôn ngữ khó trên thế giới . Người ta có thể chỉ cần 3 tháng để nói được Tiếng Anh cơ bản nhưng với Tiếng Việt nếu bạn chỉ mới học nó trong vòng 3 tháng thì bạn rất khó dùng nó để giao tiếp cơ bản. Tiếng Việt là một thứ tiếng muôn hình , muôn vẻ với những cấu trúc ngữ pháp riêng biệt kết hợp với thanh âm. Tiếng Việt có 8 thanh điệu , chia làm 4 đôi tương liên về âm điệu và đối lập về âm vực. Sự đa dạng và phong phú ấy đã tạo nên nét đẹp riêng cho tiếng việt của chúng ta . Tiếng Việt phong phú bởi hệ thống thành ngữ, ca dao, tục ngữ , kết tinh trí tuệ , bản lĩnh của các thế hệ cha ông từ bao đời nay. Tiếng Việt sâu sắc, tinh túy là ở chỗ đó. Tiếng Việt luôn tự làm mới chính bản thân mình, nó giống như 1 cô gái đến tuổi yêu đương lúc nào cũng muốn thay đổi và làm mới mình để luôn xinh đẹp trong con mắt người yêu đấy các bạn ạ. Điều đó lý giải vì sao Tiếng Việt vay mượn một số từ ngoại lai khác, đặc biệt là Tiếng Hán , một số từ ngữ của các nước châu Âu như Tiếng Anh, Tiếng Pháp ,… để làm mình trở nên phong phú , mới mẻ và đặc sắc hơn.

giọng nói trầm

Tiếng Việt đâu chỉ đơn thuần là một thứ ngôn ngữ, nó là thứ tiếng ông cha ta đã đổ biết bao nhiêu sương máu để giữ gìn . Bạn có biết để bảo vệ cho vẻ đẹp của Tiếng Việt , cho Tiếng Việt không bị đồng hóa ông cha ta đã chiến đấu ra sao?. Họ chiến đấu đến sức tàn lực kiệt cho độc lập, tự do của Tổ Quốc và sâu xa hơn họ chiến đấu cho sự sinh tồn và phát triển của một thứ ngôn ngữ đẹp – Tiếng Việt . 

 

Vậy mà , Tiếng Việt hiện nay đang bị biến dạng , Tiếng Việt đang dần mất đi sự trong sáng vốn có của nó . Nếu như ngày xưa , các liền anh, liền chị với những làn điệu trao duyên mượt mà, đằm thắm :

 “ Ba quan , một chiếc , là chiếc thuyền nan”.
  Có về là về với hội,có gái ngoan, gái ngoan tầm chồng 
  Ô mấy dỗ tình rằng , cô cả , cô hai ấy ơi, anh cả anh hai ấy ơi ”

 

Còn, hiện nay các bạn trẻ yêu nhau , các bạn dùng ngôn ngữ “ teen” bằng cách chèn thêm tiếng nước ngoài vào những câu nói như “ May be mình không nên đòi hỏi mọi thứ phải trở nên perfect như thế”, hay “ Ngòi pùn hok bjk lèm j>,vo< tinh – nghj ~ den’ anh,hok bjk jo nay anh dang làm j ”.

 

Thật buồn vì nhiều người vẫn luôn nói mình yêu Tiếng Việt trong khi không có một chút hiểu biết gì về nó , ngôn ngữ “ teen” nghe thì dễ thương thật đấy song lại làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng việt .

Một hiện tượng đáng buồn hiện nay nữa đó là hiện tượng phân biệt ngôn ngữ vùng miền, kỳ thị ngôn ngữ địa phương trong khi ai cũng biết Việt Nam là một dân tộc đoàn kết , là một khối thống nhất của 54 dân tộc anh em . Vì ngôn ngữ là đặc trưng cho tính cách, tâm hồn , tình cảm và lối sống của mỗi con người ở từng vùng khác nhau , vì vậy nó tất nhiên không thể là 1 khuôn mẫu chung mà sẽ mang nhiều màu sắc riêng biệt của từng nơi , từng miền .

 

Con người Hà Nội nhẹ nhàng , thanh lịch với chất giọng ấm nhẹ, thanh thoát và dễ nghe đã trở thành quy chuẩn cho giọng nói của người Việt. Con người miền Trung lam lũ, cục mịch mà khỏe khoắn với chất giọng hơi nặng nhưng rất đặc trưng và gần gũi. Con người miền Nam cởi mở với chất giọng sảng khoái của người dân phương Nam . Người Sài Gòn mà nói chuyện cùng nhau là mấy từ “ nghen, hem, hén” ở cuối câu hay dùng. Có người yêu Sài Gòn cũng vì cách dùng từ “nghen, hen ” này . Chiếc ghe, chiếc xuồng ba lá đã gắn bó với vùng quê sông nước miền Tây. Nói đến miền Tây Nam Bộ ta nghĩ ngay đến đờn ca tài tử , đến bao điệu hò, điệu lý thấm đẫm dư vị ngọt ngào của một vùng sông nước.

 

Giọng Huế thì dễ thương, đặc trưng , nhẹ nhàng , ngọt ngào , chân tình như chính con người nơi đây. Tôi may mắn được đến với Huế trong một buổi tối mùa thu với trăng thanh, gió mát . Huế ban đêm không hề tĩnh lặng như trong suy nghĩ của nhiều người về vùng đất “ mộng mơ” này . Huế , mà tôi cảm nhận được thật sôi động biết bao. Còn gì hạnh phúc hơn cái cảm giác ngồi trên mạn thuyền lắng nghe văng vẳng bên tai tiếng nghệ nhân hát nhã nhạc cung đình, những câu hò ví dặm, hò Mái Nhì , các làn điệu Nam ai, Nam bình… từ lâu đã chinh phục biết bao trái tim du khách thập phương. Tôi như ngây ngất , đắm chìm bất tận trong không gian nghệ thuật ấy . Bất chợt tôi nhớ đến những câu thơ mà nhà thơ Thanh Hải đã viết trong niềm yêu mến thiết tha với cuộc sống ở xứ sở “ mộng mơ” :

“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam bình 
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình 
Nhịp phách tiền đất Huế ”
( Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

 

Mỗi vùng miền , 1 chất giọng . Ngôn ngữ đặc trưng đôi khi lại hay và đặc sắc hơn , vậy Tiếng Việt mới phong phú. Tôi thiết nghĩ chúng ta chẳng có lý do gì để phân biệt ngôn ngữ vùng miền . Bạn đã tưởng tượng 1 ngày nào đó vì sự kỳ thị của mọi người mà ngôn ngữ vùng miền không còn tồn tại nữa , lúc đó hệ thống ngôn ngữ của Tiếng Việt ta sẽ nhàm chán , đơn điệu và tẻ nhạt như thế nào chưa ? Tôi không nói đến vấn đề là tất nhiên Việt Nam sẽ phải có 1 ngôn ngữ quy chuẩn riêng cho tất cả mọi người nhưng việc khinh miệt hay kì thị tiếng địa phương là 1 điều không nên các bạn ạ!

Tôi yêu Tiếng Việt . Với tôi tà áo dài Việt , ẩm thực Việt và Tiếng Việt – 3 yếu tố này đã làm nên bản sắc cho nền văn hóa Việt Nam- một nền văn hóa đậm đà,tinh túy và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm mới mình. 

 

Tôi yêu Tiếng Việt bằng một tình yêu bình dị , mộc mạc nhưng vô cùng mãnh liệt và thiêng liêng . Tình yêu Tiếng Việt trong tôi gắn liền với tình yêu quê hương, yêu đất nước , yêu xóm làng thân thuộc , yêu tuổi thơ có phần nghịch ngợm mà vô cùng đáng nhớ, yêu những con người thân thương nhất , và tôi yêu nội – 1 con người với tôi vừa cao quý lại vừa rất đỗi bình dị . Con cảm ơn nội, nội đã ươm mầm, vun đắp trong con 1 tình yêu, mà con có thể gọi là thứ tình yêu bất diệt với Tiếng Việt . Cảm ơn nội đã truyền cho con xúc cảm để con yêu “ nó” và trân trọng nó mỗi ngày .

 

Thế hệ bọn con may mắn được sinh ra , trưởng thành trong thời bình , những tiếng đạn, tiếng bom, những hi sinh, mất mát thời chiến đã đi qua và lưu vào kí ức như 1 thời không thể nào quên. Con không được sống trong thời kì máu lửa mà nội đã phải trải qua với biết bao những nhọc nhằn, cơ cực gồng lên đôi vai nội , và con cũng không được có mặt trong thời khắc lịch sử dựng nước , giữ nước của các thế hệ cha ông hàng ngàn năm về trước . Nhưng nội ạ, con có thể cảm được tình yêu Tiếng Việt của nội , của biết bao thế hệ ông cha trong chiều dài lịch sử đầy bi hùng của dân tộc ta qua những khúc ru “Ầu ơ…”, qua những câu chuyện nội kể . Con sẽ nhớ mãi, sẽ khắc sâu , ghi tạc trong tim mình những câu chuyện , những khúc ru vô giá ấy. Con hứa sẽ truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau niềm cảm hứng bất tận với Tiếng Việt như nội đã từng truyền cho con…
Thế còn các bạn trẻ ?, các bạn cũng như tôi , cũng có một tình yêu bất diệt và một mối duyên khó nói với Tiếng Việt, phải không?. Vậy thì , các bạn hãy làm điều gì đó đi, hãy đi từ những điều nhỏ nhất , hãy góp phần tạo nên vẻ đẹp của Tiếng Việt trong mắt mình , trong mắt mọi người, trong mắt bạn bè quốc tế. Hãy để suy nghĩ đi liền với hành động. Hãy nói tôi yêu Tiếng Việt và tôi sẽ hành động để chứng minh điều đó. Tôi tin chúng ta sẽ làm được vì chúng ta là người dân của 1 dân tộc anh dũng , từ trong máu lửa để rồi “ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa ” ( Đất Nước – Nguyễn Đình Thi), một dân tộc có bề dày truyên thống lịch sử lâu đời trở thành niềm ngưỡng mộ của biết bao bạn bè quốc tế, chúng ta là “ con Lạc cháu Rồng ”,cùng chung nguồn cội , chắc chắn chúng ta luôn yêu , luôn trân trọng thứ tiếng mẹ đẻ của mình – TIẾNG VIỆT – Thứ tiếng gần gũi , mộc mạc , giản dị và mang 1 vẻ đẹp tiềm ẩn như chính những con người tạo ra nó vậy :

“ Ôi Tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ 
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá 
Tiếng Việt ơi Tiếng Việt ân tình… ” 

BÀI DỰ THI “TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI” DO I LOVE MY VOICE TỔ CHỨC

Tác giả: Trần Thị Quyên

Bình luận

Bookmark the permalink.