Rất nhiều người con chính gốc của Hà Nội đã đi xa lâu ngày, nay trở lại quê hương đều ngỡ ngàng trước cách nói của người Hà Nội hôm nay vì nó không còn là của đất Hà thành “gin” nữa! Họ nói rằng, tiếng nói của người Hà Nội hôm nay đã bị lai căng và “nhão” ra như tiếng của mấy người bán hàng rong từ đâu đó đã thâm nhập vào Hà Nội…
Các thầy dạy bộ môn đài từ sân khấu của Khoa Diễn viên kịch nói Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam lúc đó rất khắt khe về cách phát âm của chúng tôi vì các thầy cho rằng: Đã là nghệ sĩ kịch nói thì phải phát âm chính xác và chuẩn tiếng Việt, đồng thời lấy gốc tiếng Hà Nội – tiếng Hà Nội chuẩn làm chuẩn để thể hiện những đối thoại kịch trên sân khấu.
Sự khắt khe của các thầy nhiều lúc làm chúng tôi không thật sự thoải mái vì thường xuyên phải luyện đi, luyện lại rất nhiều lần và thậm chí ngay cả cách nói hằng ngày, các thầy cũng luôn để ý tới và uốn nắn cho chúng tôi.
Nhưng càng về sau này, trong quá trình làm nghề và ngay cả trong cuộc sống, chúng tôi càng thấy những dạy dỗ của các thầy là quý giá và vô cùng quan trọng cho mỗi nghệ sĩ kịch nói chúng tôi…
Đến hôm nay, khi đi xem các bạn trẻ diễn kịch, các phát thanh viên và các MC trên vô tuyến truyền hình, tôi lại nhớ tới những bài học về phát âm tiếng Việt ngày trước và tự hỏi: Không biết các bạn có được học, được hướng dẫn về cách “nói” tiếng Việt sao cho chuẩn không, mà cách nói lại quá không chính xác đến như vậy?
Rất nhiều người con chính gốc của Hà Nội đã đi xa lâu ngày, nay trở lại quê hương đều ngỡ ngàng trước cách nói của người Hà Nội hôm nay vì nó không còn là của đất Hà thành “gin” nữa! Họ nói rằng, tiếng nói của người Hà Nội hôm nay đã bị lai căng và “nhão” ra như tiếng của mấy người bán hàng rong từ đâu đó đã thâm nhập vào Hà Nội…
Họ trao đổi gạo như thế này: Ài…ai đồi…ổi gào…ạo đê!
Tất nhiên, mỗi địa phương đều có một âm hưởng riêng trong cách phát âm và đều mang một lối nói có sắc thái địa phương và đều có cái hay riêng của từng vùng miền. Nhưng tôi thiết nghĩ đã là người Hà Nội, đã là tiếng nói tiêu biểu của cả nước thì phải nói cho chuẩn, cho chính xác tiếng nói của người Hà Nội.
Tôi xin đơn cử mấy thí dụ sau:
Cái lớn nhất là: Tiếng nói người Hà Nội không lên bổng, xuống trầm một quãng rộng trong một câu nói mà khi vẽ đồ thị của mỗi câu nói thì nếu đồ thị của câu nói là 10, người Hà Nội chỉ nói ở quãng từ 5 tới 7, mà không nói từ 2 rồi lên 9, 10 rồi lại xuống 1, 2 như cách nói hôm nay…
Khi nói, một số địa phương có cách nhấn nặng âm TR rất hay như vùng Khu IV và nếu nghe người Khu IV phát âm, chúng ta thấy mất hay nếu không nhấn mạnh âm trên. Nhưng người Hà Nội mà nhấn mạnh âm TR thì nghe rất khó chịu.
Ấy vậy mà một số ca sĩ nhà ta khi hát lại rất thích nhấn mạnh âm TR để làm duyên và đôi lúc lại nhấn luôn cả âm CH thành TR cho “hấp dẫn”. Ví dụ nữ ca sĩ T.D. có bài hát đã nhả chữ: “Triều rơi Trầm Trậm”. Nghe rất “Truế”.
Đã có lần, Giáo sư Quốc Hùng dạy Anh văn trên TV có hướng dẫn phát âm tiếng Anh và tôi còn nhớ ông nói: Nhiều người khi nói tiếng Anh, muốn điệu đàng, đôi khi thêm chữ U vào giữa một từ. Ví dụ khi phát âm từ Rice thì người ta nói Ru…ai sờ…
Nhưng đấy là người ta!
Còn nếu chúng ta mà cũng học cách nói đó thì rất buồn cười! Có lần, tôi xem TV, nữ ca sĩ P.A khi hát bài ca ngợi về một công trình thủy điện nào đó đã hát: Hãy hát lời lửa TRu…uáy bằng TRu…oái tim yêu thương, hãy hát lời tình yêu bằng TRu…oái tim lửa TR…uáy…
Không dưới hàng chục lần, tôi nghe các MC của chương trình Vườn cổ tích khi hỏi các em một câu hỏi nào đó thì đều kết thúc với chữ nhỉa… Ví dụ: Có đúng không nhỉ? thì thành: Có đúng không nhỉa?
Khi dạy chúng tôi về cách phát âm chuẩn thì các thầy hay lấy mấy bài thơ của các cụ ta xưa hoặc các câu thành ngữ cổ để bắt chúng tôi nói cho chính xác… như bài thơ “Ngõ vắng” của Nguyễn Khuyến, trong đó có vần eo kết thúc ở cuối mỗi câu rất hay:
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần câu chẳng được
Lá vàng trước ngõ sẽ bay vèo
Khi phát âm âm eo thì không được thêm chữ i vào giữa. Nhưng các phát thanh viên của chúng ta thì lại luôn luôn phát âm thành ieo nghe rất “nhão”… Ví dụ: Các hộ nghì…èo không nằm trong danh sách ăn thi…eo.
Đặc biệt, các thầy đã cho chúng tôi một câu thành ngữ rất điển hình để chống lối nói “nhão” trong phát âm tiếng Việt:
Mặt mũi méo mó, mà có đồng tiền
Mặt vuông chữ điền thì tiền không có…
Nhiều học viên của chúng tôi khi đó đã phát âm:
Mặt mùi…ũi mèo… éo mò… ó mà cò…ó đồng tiên…iền
Mặt vù…uông chừ…ữ điên…iền mà tiên…iền khờ…ông cò…ó
Đây là nhược điểm lớn nhất của rất nhiều MC và phát thanh viên của chúng ta trên các chương trình TV và đài phát thanh.
Xin các vị cứ kiểm chứng điều này qua các chương trình TV của chúng ta.
Xem lại câu thành ngữ trên, ta có thể thấy rằng: nhiều câu nói mà các MC và phát thanh viên thường nói “nhão” nhất là ở các âm có dấu hỏi (?) dấu sắc (‘) và dấu ngã (~)… Nhất là khi hai dấu đó đứng cạnh nhau. Ví dụ: chữ Chính phủ thì bao giờ cũng được phát âm thành: Chình…ính phù…ủ, hoặc: Có thể thì nói thành cò…ó thề…ể.
Ví dụ một câu trong chương trình dành cho các em thiếu nhi. Một chị phụ trách nói với các em: “Chúng ta cần phải cố gắng rèn luyện để mau tiến bộ”… thì chị phụ trách đã nói:
Chùng…úng ta cần phài…ải cồ…ố gằng…ắng đề…ể mau tiề…iến bồ…ộ.
Hoặc mở đầu một chương trình văn nghệ, một biên tập viên rất trịnh trọng nói: Quỳ…ý vì…ị khan…án già… ả thân mền… ến…!
Còn nhiều câu, nhiều từ tương tự như trên lắm nhưng xin để các quý vị theo dõi và xác định lại bằng thực tiễn trên TV và đài phát thanh…
Cứ như vậy, hết chương trình này tới chương trình khác, ngày này qua ngày khác, lối nói “không chuẩn” đó đã tạo cho người xem một cảm giác như đã mất đi một cái gì đó thiêng liêng của âm sắc Hà Nội chuẩn và thanh lịch xưa và gây cảm giác rất buồn khi phải nghe cách nói hiện nay. Thậm chí, nhiều chương trình TV hay, nhưng chỉ vì cách phát âm “nhão” trên mà người xem đã phải buồn lòng mà chuyển xem kênh khác…
Nhưng rất may, bên cạnh nhiều anh chị nói theo cách nói “nhão” trên, chúng ta cũng vẫn còn bắt gặp được nhiều giọng đọc rất đáng yêu để chúng ta còn thấy được cái gì đó là mẫu mực cần trân trọng và phát huy.
Đó là các anh chị: Minh Trí, Kim Tiến, Phương Hoa, Lại Văn Sâm, MC Lê Anh… của Đài Truyền hình Trung ương, các anh chị Lệ Diễm, Lâm Phúc, Thanh Vân… của Đài Truyền hình Hà Nội hoặc giọng đọc của NSƯT Lê Chức trong các phim tài liệu, thời sự phát trên các chương trình TV.
Các anh chị đã phát âm rất chuẩn tiếng Việt từng câu, từng chữ.
Xin thay mặt những người con của Hà Nội cảm ơn các anh chị đã gìn giữ một nét đẹp trong cách ăn nói thanh lịch của người Hà Nội ta xưa.
Điều chúng ta cần suy nghĩ, đó là những vấn đề tôi nêu trên hầu như chỉ xảy ra ở khu vực Trung ương và Hà Nội mà không thấy xuất hiện ở các đài địa phương… Thậm chí, tôi xin chủ quan mà nói rằng: Về phát âm tiếng Việt chuẩn thì chúng ta còn thua xa các đài địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Sơn La,…
Vậy thì nguyên nhân ở đâu có cách phát âm đáng buồn trên?
Tôi trộm nghĩ có lẽ chúng ta không chú ý từ khâu dạy dỗ các em ở tuổi mẫu giáo mà ở đó ngay từ các cô đã có một lối phát âm, một lối giáo dục các em về ngôn ngữ rất thiếu chính xác.
Ngay từ câu chào đầu tiên của các em khi đến lớp mẫu giáo, chúng ta đã thấy nó là “bản chính” của lối nói “nhão” ngày hôm nay:
Chúng… úng chàu… áu chao… ào cồ… ô à… ạ!
Cô lại hỏi: Các chàu…áu cò…ó ngoan không?
Các cháu thưa: Dạ thưa cô, cò…ó…ạ!
Hoặc ngay từ đầu đề của một câu chuyện kể của các em cũng đã mang nặng yếu tố “nhão”. Ví dụ tên một câu chuyện là “Chú nhái bén” thì được các cô dạy đọc là Chù…ú nhài…ái bèn…én…
Thế rồi suốt quá trình học hành và lớn lên trong một môi trường toàn cách phát âm như trên cộng với lối dạy các em lối kể chuyện lên bổng xuống trầm mà thường được gọi là “diễn cảm” dần dần đã trở thành một nếp nói tiếng Việt thiếu chuẩn xác như vậy!
Rồi các em vào đời mà vẫn đinh ninh những điều được học ở tuổi mẫu giáo là mẫu mực và thế là cứ “ung dung và tự tin” sử dụng chúng trong cuộc sống.
Tiếc thay đã qua bao nhiêu thế hệ với cách nói sai như trên nhưng chúng ta chưa hề có một cách chấn chỉnh, một sự đào tạo về cách phát âm tiếng Việt chuẩn để lấy lại phong độ ngôn ngữ xưa nên tôi thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền trong ngành Giáo dục, ngành Văn hoá nên nghiêm túc xem xét lại vấn đề này, nhất là chú ý tới khâu các cô giáo từ bậc học mẫu giáo để dạy dỗ các em nói sao cho chuẩn tiếng Việt từ tuổi nhi đồng.
Các phát thanh viên trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần có sự tuyển lựa kỹ càng về tiếng nói, bởi vì được hình mà hỏng tiếng thì cũng tiếc lắm thay! Và khi trở thành những phát thanh viên, những MC chuyên nghiệp rồi thì họ vẫn phải tu dưỡng, để nói sao cho hay, cho chính xác tiếng Việt Hà Nội.
Người viết bài này nếu có điều gì chưa làm hài lòng, xin các quý vị bỏ quá cho, nhưng xin thật lòng thưa với quý vị rằng: Đó là điều không phải riêng tôi mà là tâm sự của rất nhiều người Hà Nội với tình yêu tha thiết mảnh đất này nên muốn giữ gìn tất cả những gì là nét đẹp của Hà Nội, nhất là tiếng nói với âm sắc của người Hà Nội phải sao cho ĐÚNG, cho CHUẨN, bởi vì Hà Nội là trái tim của Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Nếu bạn mong muốn học tiếng phổ thông tương đương với chuẩn miền Bắc – thì hãy vào lớp thực hành cơ bản Làm chủ giọng nói