GIỌNG NÓI VÀ THÓI QUEN

anh 2Từ điển Việt Nam của tác giả Lê Ngọc Trụ định nghĩa “thói quen” là “Việc làm thường thành tật, bắt buộc làm hoài”.

Tác giả Nguyễn Như Ý trong Đại Từ Điển Tiếng Việt giải thích “Thói quen” rõ ràng hơn như sau: “Lối, cách sống hay hành động do lặp lại lâu ngày trở thành nếp, rất khó thay đổi.

“Bắt buộc làm hoài” hoặc “thành nếp khó thay đổi” nói lên tính cách lâu dài và không tự chủ khi các thói quen đã thành hình.

Nhà Tâm lý học John F. Tristany: “Thói quen là một loạt những hành vi thâm căn cố đế do học hỏi mà có và được liên tục củng cố bởi các yếu tố môi trường, cảm xúc và tâm lý. Nó dựa trên nguyên tắc khoái lạc của con người là chỉ muốn có niềm vui và tuyệt đối tránh khó khăn, đau khổ”.

Thói quen mạnh “ăn sâu” khi hành động nhắc lại nhiều lần, khi cá nhân cảm thấy thích thú với hành động. Ngược lại khi quyết tâm loại bỏ thì thói quen sẽ giảm dần hoặc hết đi.

Bỏ thói quen giọng nói bản năng chưa đúng

Bỏ một thói quen xấu không phải dễ dàng. Lý do là thói quen đã được thành hình sau cả chục năm làm đi làm lại, đã trở nên “tự nhiên”, có vẻ như cần thiết với con người.

Quen ăn mặn, uống nhiều rượu bia, ngại vận động, sống bê tha hoang loạn… từ tuổi thiếu niên mà khi thức tỉnh muốn bỏ ở tuổi trung niên, cũng cần thời gian cả tháng, có khi cả năm. Và cũng cần một sự sáng suốt, kiên nhẫn với một kế hoạch cụ thể, thực tế.

1.Cân nhắc điều hơn lẽ thiệt

Ngoài sự quyết tâm, cũng cần thời gian và nghị lực để tập trung vào hành vi của mình, rồi thay đổi

Trước khi muốn từ bỏ một thói quen xấu, hãy đặt câu hỏi tại sao phải bỏ, không bỏ thì sao. Xác định coi mình có thực tâm muốn loại bỏ thói xấu đó không. Thay thế bằng thói quen tốt nào.

Liệt kê lợi hại của thói quen lên một tờ giấy trắng, lâu lâu coi lại để tự nhắc nhở. Giọng nói khó nghe, yếu và thiếu truyền cảm thì tốt cho mình và tốt cho người những gì? Và thay vào đó là giọng nói thần lực, truyền cảm thì sao?

2.Bắt tay hành động

Muốn bỏ tật xấu không phải dễ, vì tạo ra tật xấu thì dễ mà thay đổi nó thì khó hơn rất nhiều. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Khi đã quyết định thì nên hành động ngay.

Leo Aikman có nói: “Thói quen xấu nên loại bỏ ngay ngày hôm nay hơn là đợi tới ngày mai. Cách tốt nhất để loại bỏ thói quen là hãy thẳng tay ném nó đi”.

Vì “Nếu không chống lại, thói quen sớm trở thành sự cần thiết”, theo St Augustine

Khi đã quyết định phát triển giọng nói để tốt hơn thì phải bỏ ngay thói quen nói theo bản năng, không có ý thức…

Đừng tiếc nuối: Khi gặp những người thân thì lại quay về giọng nói ban đầu để cho tự nhiên và khỏi phải ngại ngùng, sợ mọi người chú ý, bàn tán.

3.Loại bỏ “quyến rũ” 

Ngựa quen đường cũ của người muốn bỏ thuốc lào “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Nói có ý thức thì sẽ tốn nhiều năng lượng hơn, mệt hơn. Hôm nay vui thì ta nói tự nhiên vậy khi nào cần thì lại tập sau. Và cứ thế sẽ rất khó có thể thay đổi được gì.

4.Thay thế thói quen xấu bằng thói quen tốt

Gandhi có nói, đừng bao giờ thay đổi một điều gì cho tới khi chắc chắn là điều mới tốt hơn điều mà mình muốn thay thế.

Thay vì nói bản năng cho nó tự nhiên, thoải mái và đúng với con người mình hơn thì chúng ta có thể nói chuyện, giao tiếp và nghe những người có giọng nói tốt hay những người đang cố gắng phát triển giọng nói của mình. Để có thể tiếp thêm niềm tin trong quá trình rèn luyện.

5.Kêu gọi sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè.

Cho họ hay là mình đang rèn luyện giọng nói để họ tiếp tay, khích lệ, nhắc nhở khi “cầm lòng chẳng đặng” trước cái thoải mái của bản năng.

6.Tự tán thưởng, khích lệ 

Khi đã lấy lại được quyền “kiểm soát” hành động chứ không thụ động, chiều lòng tật xấu.

Với sự công nhận của người thân, bạn bè, đồng nghiệp… thì cần có những phần thưởng và sự khích lệ cho chính bản thân mình.

7.Nếu chẳng may vướng lại thói quen cũ thì đừng tự dày vò:

Đừng thoái chí buông xuôi mà bình tâm tìm hiểu lý do tái phạm rồi cương quyết đối phó.

Lại quay về bản năng, lại nói sai như xưa ư?

Hãy nghĩ về những ngày rèn luyện hết mình.

Hãy nghĩ về những cơ hội sắp tới.

Hãy nghĩ về những gì mình đã làm được.

Để quyết tâm hơn nữa, rèn luyện hơn nữa, không bao giờ bỏ cuộc!

8.Gia nhập nhóm “đồng bệnh” để “tương lân”

Thói quen xấu có nhiều, mà người mắc phải cũng vô số.

Cho nên đã có những nhóm, những hội người có thói quen xấu. Họ đến với nhau để kể lể nỗi lòng, nói cho nhau nghe nguyên do đưa tới thói quen xấu, hậu quả ra sao và bây giờ muốn gì. Họ hỗ trợ nhau, tiếp tay với nhau để cùng nhau thay đổi, “xóa bỏ tật xưa”.

Chiến thắng hay thất bại tất cả đều nằm ở trong bản thân mình. Tôi làm được và Tôi chiến thắng- các bạn nhé!

 (sưu tầm : Internet)

Bookmark the permalink.