GIỌNG NÓI ĐỊA PHƯƠNG

anh4Sự phức tạp của các THANH TRẮC còn thể hiện rõ khi ta xem xét các giọng nói địa phương. Tiếng Việt có số lượng và chất lượng thanh điệu khác nhau ở các vùng miền. Trừ tiếng Việt văn hóa với tiếng Hà Nội làm tiêu chuẩn có đủ 6 thanh điệu, thì các vùng miền còn lại chỉ có 5 thanh điệu thậm chí 4 thanh điệu, và các thanh điệu bị phát âm trùng nhau cũng khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nguyên (2010) khi nghiên cứu về thanh điệu ở miền Trung, chỉ ra Thanh Hóa thanh ngã bị nhập vào thanh hỏi (nhập ngũ->nhập ngủ), trong khi ở khu vực Nghệ An-Hà Tĩnh thì thanh ngã bị nhập vào thanh nặng (chủ nghĩa xã hội   ->chủ nghịa xạ hội). Ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế vào đến trong Nam thì cơ bản nhập thanh ngã vào thanh hỏi. Tuy nhiên ở từng địa phương, còn có hiện tượng nhập cả thanh sắc vào thanh nặng, như Nguyễn Hoài Nguyên viết  “Đường nét các thanh quá nghèo nàn và có xu hướng hỗn nhập các thanh như ngã với nặng, hỏi với nặng, sắc với hỏi…thể hiện một tình trạng rối loạn trong hệ thống thanh điệu.”

 

Theo Phan Thị Thúy Hồng, tiếng Quảng Bình nói chung chỉ có 5 thanh điệu: ngang, huyền, sắc, hỏi, nặng. Không phân biệt được ngã, nhập chung vào hỏi. Tuy nhiên, chỉ riêng khu vực Đồng Hới tồn tại ba biến thể  (a) Thanh ngã trùng thanh hỏi (b) Thanh ngã, thanh hỏi trùng thanh nặng (c) Thanh nặng, thanh ngã trùng thanh hỏi.

 

Tại một số vùng của Huế thì ngoài thanh ngã nhập thanh hỏi, thanh sắc cũng bị nhập thanh nặng (Huế->Huệ) thành ra trong tiếng nói chỉ còn 4 thanh điệu (ngang, huyền, hỏi, nặng).

 

Rõ ràng ngay trong nội bộ tiếng Việt, số lượng thanh điệu tùy theo vùng miền mà có thể thay đổi từ 4-5-6 thanh điệu. Điều này cũng chứng minh thanh điệu không phải là hiện tượng bền vững, hiện diện ngay từ khi mới hình thành ngôn ngữ.

 

Khi đối chiếu các từ tương đương trong tiếng Mường với tiếng Việt hiện tại, chúng ta thấy hiện tượng thú vị là Mường nói thanh hỏi thì Việt nói thanh sắc và ngược lại, và Mường nói thanh ngã, thì Việt nói thanh nặng (Nguyễn Văn Khang – 2002).

 

M: bỉ thư V: bí thư; M: bản đáo V: bán đảo; M: bỗ đỗi V: bộ đội; M: cả khô V: cá khô; M:cám lẽnh V: cảm lạnh; M: câu chiễn V: câu chuyện; M: chả lẽnh V: giá lạnh; M: chãm tlốV: trạm chổ; M: chảo cả V: cháo cá; M: đểm tlái V: nếm trải; M: lốn ngốn V: lổn nhổn; M:lốt põ V: lột vỏ.

 

Số lượng các cặp từ tuân theo sự biến đổi đồng nhất như trên có thể dẫn ta tới một vài nhật xét sau. Một là tiếng Mường và tiếng Việt văn hóa đều thể hiện rõ THANH NGÃ, trong khi từ Thanh Hóa trở vào thanh ngã đều bị nhập vào thanh hỏi hay thanh nặng. Hai là có một sự tương đồng giữa hỏi của tiếng Mường với thanh sắc của tiếng Việt. Phải chăng thanh sắc của tiếng Việt vốn phát triển từ thanh hỏi của tiếng Mường khi hai dân tộc còn sống chung, dưới tác động của tiếng Hán? Ngày nay nếu chúng ta nghe thanh 2 của tiếng Quan Thoại ta sẽ thấy thanh này nằm giữa hỏi và sắc của tiếng Việt. Ba là sự tương ứng thanh ngã của Mường với thanh nặng hay hỏi của Việt phản ánh sự lộn xộn giữa các thanh này mà ta còn thấy ở các phương ngữ từ Thanh Hóa trở vào.

 

Về nguồn gốc các thanh điệu của tiếng Việt các nhà nghiên cứu nước ngoài có đóng góp rất lớn. Năm 1912 H. Maspero sau khi nghiên cứu tiếng Hán trung cổ, tiếng Việt, Mường, Thái đã chỉ ra mối liên hệ giữa các phụ âm đầu cổ với âm vực của thanh điệu. Nếu âm đầu cổ là phụ âm vô thanh (t, p, k…) thì thanh điệu sẽ có âm vực cao (ngang, sắc…) còn nếu phụ âm đầu cổ là hữu thanh (đ, b, g…) thì thanh điệu sẽ có âm vực thấp (huyền, nặng…). Dựa vào các nhận xét này, năm 1954, nhà nghiên cứu người Pháp A. G. Haudricourt đã công bố một tác phẩm gây chấn động “Về nguồn gốc các thanh điệu trong tiếng Việt”. Nội dung của tác phẩm này gồm mấy điểm chính sau:

a. Tiếng Việt đã chuyển từ trạng thái không có thanh điệu giống các ngôn ngữ Mon-Khmer khác sang dần có thanh điệu.

b. Từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 6, tiếng Việt có ba thanh điệu mà thực ra là ba tuyến điệu là Ngang-Huyền, Hỏi-Ngã và Sắc-Nặng. Hỏi và Ngã sinh ra từ các tiếng Mon-Khmer cổ có đuôi –s và –h và Sắc-Nặng sinh ra từ các từ cổ có đuôi là phụ âm tắc hầu họng (ký hiệu là [ʔ] hay x)

c. Từ thế kỷ thứ 6 sang thế kỷ thứ 12, do các phụ âm đầu tiếng Việt bị vô thanh hóa hàng loạt (b->p, g->k v.v.) nên mỗi tuyến điệu tách ra làm 2, theo hai âm vực cao thấp, là Ngang-Huyền tách thành Ngang cao và Huyền thấp, Sắc-Nặng tách thành Sắc và Nặng, Hỏi-Ngã tách thành Hỏi-Ngã.

 anh1

 Từ khi tác phẩm của A. G. Haudricourt được công bố, các nhà nghiên cứu đã chứng minh một số điểm trong giả thuyết của ông là chính xác. Đầu tiên là việc xác nhận thanh điệu đã hình thành ở tiếng Việt khá muộn, chứ không phải có ngay từ đầu, và số lượng thanh điệu tăng dần theo thời gian.

 

Các ngôn ngữ không thanh điệu có thể hình thành dần hai thanh điệu từ những đối lập cơ bản. Chẳng hạn tiếng Nhật có pitch accent (nhấn giọng) để phân biệt hai chữ đồng âm. Như chữ はし hashi, nếu đọc há-shì là “cây cầu” 橋 còn đọc hà-shí là “đôi đũa” 箸. Đây chính là sự hình hệ thống thanh điệu sơ khai gồm 2 thanh điệu (thấp-cao). Tương tự, GS Hoàng Thị Châu khi nghiên cứu một số ngôn ngữ họ Nam Á và Nam Đảo ở dãy Trường Sơn đã chỉ ra tuy chúng không có hệ thống thanh điệu hoàn chỉnh nhưng đã bắt đầu có sự phân biệt hay đối lập về giọng:

 

Koho giọng cao thấp: e / è

Bru giọng căng hay trùng: e / ẽ

Hre trong hay đục e / è

Sedang trong hay đục e / é

 

Các sự phân biệt này chính là mầm mống của sự hình thành thanh điệu.

 

Ở khu vực miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình người ta phát hiện ra nhiều bộ tộc người nói thứ tiếng gần với tiếng Việt. Đó là các tộc người Rục, Arem, Mã Liềng v.v. gọi chung là người Chứt. Điều thú vị là trong các ngôn ngữ thiểu số này, tiếng Arem không có thanh điệu nào trong khi các ngôn ngữ khác có 4 thanh điệu. Khi nghiên cứu các ngôn ngữ này người ta đã chứng minh được –h biến thành hỏi và ngã và -ʔ biến thành sắc nặng.

 

Rục:  peh Việt: bẻ (to break); Arem: abah Rục: bah Việt: mửa; Arem: muh Rục: murh Việt:mũi (nose); Arem: liah Rục: lơah Việt: lưỡi (tongue); Arem: poʔ Rục: , Việt: ; Arem:puonʔ Rục: pốn Việt: bốn (four)

 (Theo Paul Sidwel 2001)

 

Đóng góp của Haudricourt đối với nguồn gốc thanh điệu rõ ràng là rất lớn, nhất là trong việc chứng minh thanh điệu đã hình thành từ chỗ không có thanh điệu đến ba thanh điệu từ những đuôi –h và -ʔ của các từ cổ. Hai phụ âm này vẫn đều tồn tại trong nhiều ngôn ngữ Mon-Khmer, bao gồm cả tiếng Khmer hiện đại. Điều này minh chứng cho cội nguồn Nam Á của tiếng Việt. Tuy nhiên, điều mà các nhà nghiên cứu còn chưa hoàn toàn đồng ý là giả thuyết phân đôi từ ba tuyến thanh điệu thành sáu như ông đã đề nghị.

 

Người viết bài này cho rằng sau khi hình thành ba tuyến thanh điệu từ việc chuyển hóa phụ âm cuối của âm Mon-Khmer cổ, tiến trình tiếp theo có thể phức tạp hơn đối với các thanh trắc. Ba thanh Sắc (âm vực cao) và Hỏi/Nặng (âm vực thấp) có thể hình thành trước thanh Ngã.

 

Quan hệ giữa Sắc với Nặng có thể  diễn ra khi tiếp xúc với tiếng Thái. Bằng chứng là trong tiếng Thái có thanh thấp (Low Tone) nghe rất giống cách người Huế phát âm thanh sắc hay thanh nặng. Các âm tiếng Thái kết thúc khép bằng –p –t –k chỉ có thể có thanh High Tone và Low Tone, tương tự như cách âm khép tiếng Việt chỉ có thể có sắc và nặng: thích, thịch, cắp, cặp.

 

Quan hệ giữa Sắc và Hỏi có thể diễn ra muộn hơn khi Mường-Việt tiếp xúc với Hán. Thanh hai của tiếng Hoa thể hiện một sự lửng lơ giữa Sắc và Hỏi trong tiếng Việt. Ví dụ [má] của tiếng Hoa nghe như má hay mả của tiếng Việt.

 

Thanh ngã phải chăng là thanh hình thành cuối cùng trong tiếng Việt trong nỗ lực mô phỏng thanh Falling Tone của tiếng Thái và thanh 4 của tiếng Hoa? Người Việt ngày nay vẫn cảm thấy thách thức khi phát âm hai thanh điệu này, dù tiếng Việt đã sở hữu bộ 6 thanh điệu hùng hậu nhất Đông Nam Á.

anh2

 (Trích nguồn từ Facebook Andy Tran)

Bookmark the permalink.