Đi luyện giọng… nói

Rất nhiều người sau thất bại trong cuộc sống vì giọng nói quá khó nghe, nói thiếu cảm xúc…, đã tìm đến các lớp luyện giọng nói để mong được thành công.

Dịch từ “tiếng Quảng” sang “tiếng Sài Gòn”
Quê ở Phú Yên, Huỳnh Duy Thịnh vào TP.HCM học tập, sinh sống và gặp vô vàn khó khăn, trở ngại từ giọng nói. Thịnh kể: “Khi mình nói có người hiểu, người không, người thì che miệng cười bởi mình nói từ “làm thuê” thành “làm thơ”, “đi xa” thành “đi xe”… Dần dần mình nhận ra rồi sửa nhưng chưa thật sự thuần thục. Đó là lý do mình tìm lớp để học luyện giọng”.
Còn Trần Văn Hùng (quê Quảng Nam) sống ở Sài Gòn hơn 4 năm, làm nghề kinh doanh bất động sản. Mọi buồn vui vì giọng nói anh từng nếm trải. Anh kể, những năm đầu vào Sài Gòn sinh sống, anh phải khổ sở vì nói giọng địa phương “lồm” người khác chẳng hiểu, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, thậm chí phải viết ra giấy. Có lần thương thuyết với khách hàng, anh phải nhờ “phiên dịch” từ “tiếng Quảng” sang “tiếng Sài Gòn”.
Là trưởng phòng kinh doanh một công ty trang sức tại TP.HCM, Võ Văn Đảng (30 tuổi) tham gia lớp luyện giọng bởi giọng nói Đắk Lắk của anh không thật sự thu hút, thuyết phục người khác. Đảng nói: “Giọng nói, ngữ điệu có vai trò rất quan trọng trong giao tiếp, thương thuyết. Nếu giọng nói chuẩn, hay, giàu cảm xúc thì tỷ lệ thành công rất cao, và ngược lại. Đây là thực tế mình đã trải qua. Vì thế mình tham gia khóa học này để giọng mình trở nên thuyết phục hơn, phục vụ cho công việc”.
Nguyễn Văn Thành, giảng viên thỉnh giảng một trường cao đẳng ở Q.5, TP.HCM cho biết sau nhiều lần lên lớp anh bị mệt do nói nhiều, giọng ngày càng yếu đi. Khi biết có lớp luyện giọng, anh tham gia ngay và học được rất nhiều điều bổ ích.
 
Bạn trẻ trong một buổi học luyện giọng nói tại TP.HCM 	- Ảnh: T.Đ
 
Sở hữu được giọng nói như ý
 
“Nói là một hạnh phúc, nói là quyền được thể hiện cao nhất. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng từng phút từng giây để nói cho đúng, cho hay, giàu cảm xúc, làm hài lòng người nghe?”, bà Trần Thị Minh Hải, huấn luyện viên luyện giọng tại TP.Hà Nội, phân tích.
Từng nếm trải thất bại từ việc thiếu kiểm soát tình cảm trong giọng nói, ngữ điệu nên bà Hải đã mày mò tìm hiểu các kỹ thuật luyện giọng, cách nói của những người thành công để áp dụng cho mình. Bà thay đổi giọng nói rồi mở lớp, giúp các bạn trẻ tại TP.Hà Nội có được giọng nói như ý.
Khi tham gia học luyện giọng, các học viên sẽ trải qua phần luyện tập lấy hơi thở từ bụng, nói bằng giọng bụng, nói trong khoang miệng để có độ vang, to, chuẩn và giàu cảm xúc. Từ đó giúp tăng giá trị của nội dung mà người nói muốn truyền tải.
“Với người phải nói nhiều, nếu không biết cách lấy hơi sẽ rất mệt, cổ bị khàn, nói không to, rõ. Khẩu hình khi nói cũng rất quan trọng, một cô gái đẹp nhưng khi nói khẩu hình xấu sẽ là một bất lợi. Vì thế, các bạn phải học cách lấy hơi, cách để nói ra trông khuôn miệng thật duyên, thật xinh và quan trọng là nói giọng chuẩn, rõ, dễ nghe”, ông Trần Nam Anh, giảng viên Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, cho biết.
Bên cạnh đó, các thầy cô sẽ giảng dạy về tiếng Việt, nói thế nào là chuẩn, giọng nói từng vùng miền khác nhau thế nào, giọng điệu, ngữ điệu khi nói ra làm sao, từ đó giúp học viên thấy được cái sai của mình mà sửa đổi.
Nói về cái được sau một thời gian học luyện giọng, Võ Văn Đảng cho biết ngoài luyện giọng, thầy cô còn cung cấp những kiến thức liên quan đến tiếng Việt, biết phân biệt giọng từng miền, cái sai của từng miền. “Thật thú vị khi biết rằng hầu như rất ít người Việt nói đúng tiếng Việt, mỗi vùng miền có cái sai riêng. Sau khóa học, mình có thể nói chuẩn giọng miền Nam, miền Bắc, điều này rất có lợi cho công việc của mình hiện nay”, Võ Văn Đảng nói.

 Thành Đông.

Nguồn: Thanh niên.

 
 
Bookmark the permalink.