Càng tự giác kỉ luật bao nhiêu, bạn càng giàu có bấy nhiêu

Bạn đã bao giờ gặp hiện tượng này?

Buổi sáng muốn dậy sớm, rõ ràng đặt chuông 6h, nhưng chuông kêu “n lần” rồi mà vẫn nằm im trên giường.

Lên kế hoạch học ngoại ngữ, học phí đóng rồi, APP cũng tải rồi, những vĩnh viễn luôn dừng ở trang 1, thậm chí là không ngó ngàng tới.

Hạ quyết tâm giảm cân, mỗi ngày lên kế hoạch xem nên ăn uống như nào, chạy bao nhiêu km, nhưng ngày nào cũng có lý do “chính đáng” để không làm.

Nghĩ là chiều nay nhất định sẽ làm cho xong rồi nộp kế hoạch sớm, nhưng cầm điện thoại lên là không bỏ xuống được.

Tất cả những vấn đề này, suy cho cùng đều do chính bản thân.

Kẻ địch lớn nhất của chúng ta thường là chính mình.

Trong các định luật người giàu, có một định luật như này: bạn tự giác kỉ luật bao nhiêu, bạn giàu có bấy nhiêu.

Vì sao lại nói như vậy?

Từng có một người làm một bài phân tích, những người thực sự giàu có, bất kể giữa họ có khác biệt ra sao, thì họ cũng đều có một điểm chung, đó là khả năng kiểm soát bản thân vô cùng mạnh mẽ.

Khả năng kiểm soát bản thân chính là chìa khóa của tự giác kỉ luật, còn tự giác kỉ luật lại chính là vũ khí tối thượng của người giàu.

Lịch trình của Vương Kiện Lâm (tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt, sở hữu hệ thống rạp chiếu phim AMC rộng nhất thế giới. Ông cũng nắm giữ 20% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid và là từng là một trong những người giàu nhất châu Á) từng gây sốt khắp đất nước tỷ dân.

Là một trong những tỷ phú lớn của Trung Quốc, mỗi ngày Vương Kiện Lâm đều thức giấc lúc 4h, sau khi thể dục thể thao xong, ông bắt đầu đi làm khắp nơi, theo lịch thì ông làm việc ít nhất 12 tiếng một ngày. Đối với người bình thường, đó là một ngày phi thường, nhưng đối với ông, đó chỉ là một ngày không thể bình thường hơn.

Với Vương Kiện Lâm, dù không có khả năng kiểm soát bản thân mạnh mẽ, không có sự tự giác kỉ luật, ngủ tới 7,8h mới dậy, cũng không cần phải đi tới các công ty lớn nhỏ để chỉ đạo công việc, ông vẫn sống vô cùng tốt.

Nhưng, với người giàu, sự tự giác kỉ luật sớm đã ngấm vào trong máu họ, trở thành một thói quen trong cuộc sống của họ.

Bạn tự giác kỉ luật bao nhiêu, bạn giàu có bấy nhiêu.

Sự giàu có ở đây không nhất thiết phải là sự giàu có về vật chất, nó cũng có thể là sự giàu có về mặt tâm hồn, tinh thần. Nó đem tới cho con người ta hi vọng, giúp chúng ta không còn mơ hồ, có mục tiêu để phấn đấu.

Bạn có thể kiên trì đọc sách mỗi ngày, cũng có thể kiên trì chạy 5km mỗi ngày, hoặc kiên trì học 10 từ mới mỗi ngày, thay vì xem phim tới sáng mà làm tổn hại sức khỏe, buông thả bản thân.

Quá trình tự giác kỉ luật chắc chắn là khó khăn, cám dỗ xung quanh cũng rất nhiều, nhưng chỉ cần kiên trì được, là bạn đã trưởng thành.

Vào đầu thế kỷ 20, Walter Mischel, giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ, đã thiết kế một thí nghiệm nổi tiếng về việc “trì hoãn sự thỏa mãn”.

Các nhà nghiên cứu đã cho khoảng 600 trẻ em lựa chọn khi đứng trước một chiếc kẹo bông, hoặc là ăn ngay, hoặc là đợi các nhà nghiên cứu quay trở lại (khoảng 15 phút) rồi mới ăn thì các em sẽ được thưởng thêm một chiếc kẹo khác.

Phần lớn các bé đều bỏ cuộc trong vòng chưa đầy ba phút, chỉ có chưa tới 1/3 số trẻ đã “nhịn” thành công và nhận thêm phần thưởng.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những đứa trẻ đó trong hơn 10 năm tiếp theo và phát hiện ra rằng những đứa trẻ có thể chờ đợi để nhận được nhiều kẹo hơn có nhiều khả năng thành công hơn những đứa trẻ thiếu tính kiên nhẫn, kết quả học tập và thành tích nghề nghiệp của chúng đều tương đối tốt hơn. Nói cách khác, khả năng trì hoãn sự thỏa mãn càng mạnh thì càng dễ thành công.

Thí nghiệm này đã “kích hoạt”, thúc đẩy nhiều người theo đuổi sự tự giác kỷ luật, bởi lẽ càng tự kỷ luật, càng thành công.

Bernard Shaw từng nói: “Tự giác kỉ luật là bản năng của kẻ mạnh nhất.”

Vậy làm sao để trở thành một người tự giác kỉ luật?

1. Tiền đề là hãy hiểu mình trước tiên

Nếu không hiểu bản thân, tự giác kỉ luật một cách mù quáng, thông thường sẽ khó có thể kiên trì được về lâu về dài. Cũng giống như việc có người muốn giảm cân, họ lựa chọn chế độ ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân, mà không biết rằng vì đang quá nặng nên chỉ cần chạy 2,3 bước đã thở hổn hển, rồi cộng thêm với việc ăn kiêng khiến tụt huyết áp, hoa mắt chóng mặt, cứ như vậy lại càng không có sức để chạy, cuối cùng kiên trì được vỏn vẹn 2 ngày.

Khi chúng ta muốn bồi dưỡng cho mình thói quen tự giác kỉ luật, trước tiên hãy hỏi mình rằng mình muốn trở thành một người ra sao, mục tiêu của mình là gì. Điều chúng ta cần làm là nỗ lực để đi đến đích thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Trong quá trình đạt tới mục tiêu đó, thói quen của chúng ta sẽ dần được hình thành, sự tự giác kỉ luật cũng âm thầm đâm chồi nảy lộc.

2. Lập kế hoạch theo lợi thế của bản thân

Tất cả những người muốn tự kỷ luật sẽ giống như những người khác, lập một danh sách dài cho bản thân trước khi thực hiện một kế hoạch nào đó, kiểu như tôi nên làm hôm nay, hay tôi sẽ làm gì vào ngày mai.

Nhưng kế hoạch như vậy có thực sự phù hợp với bạn?

Họ học tiếng anh, hôm nay lên kế hoạch học 50 từ, ngày mai tăng lên 100 từ. Nhưng phát âm không chuẩn, đọc một lần rồi quên. Lúc này, việc chúng ta cần làm không phải là ép mình phải học thuộc hết 50 hay 100 từ đó, bởi lẽ nội tâm của bạn sớm đã phản kháng lại rồi, cứ tiếp tục sẽ không cho ra hiệu quả.

Việc chúng ta cần làm là tìm ra điểm thú vị trong quá trình học, rồi xuất phát từ điểm hứng thú đó, từ đó kích hoạt tiềm năng và nỗ lực tiến về phía trước.

Tự giác kỉ luật được sản sinh ra dựa trên nhận thức về điểm ưu tú của bản thân. Khi bạn tìm được ưu thế thực sự của mình, bạn sẽ tự giác hình thành nên sự tự giác kỉ luật cho mình.

3. Tự giác kỉ luật đòi hỏi sự đột phá từ “tâm”

Có biết bao người nói muốn giảm cân, nhưng lại không hề có hành động? Bạn có gọi đó là tự giác kỉ luật hay không? Có câu “tâm động” không bằng “hành động”, những người chỉ biết nghĩ, biết nói mà không biết làm sẽ chẳng thể kiên trì được cái gì đó lâu dài.

Giảm cân thực sự khó ư? Đúng là rất khó. Nhưng có thể thành công hay không? Nếu bạn thực sự muốn, chắc chắn có thể.

Việc chúng ta cần làm là đột phá từ “tâm”, đánh bại cái tâm lý chây ì, rồi hành động thực tế, chỉ khi “ngôn hành” hợp nhất, chúng ta mới xây dựng được nên hệ thống tự giác kỉ luật mạnh mẽ.

Người thực sự tự giác kỉ luật, luôn có một tinh thần “có chết cũng không chịu buông”, khi đã đặt ra hướng đi cho mình, họ sẽ không bao giờ ngoảnh mặt lại, chỉ một lòng tiến về phía trước.

Bạn tự giác kỉ luật bao nhiêu, bạn sẽ giàu có bấy nhiêu. Bạn tự giác kỉ luật bao nhiêu, cuộc đời bạn sẽ thuận lợi bấy nhiêu.

Nguồn: Cafef.vn

Bookmark the permalink.