CÁCH THAY ĐỔI GIỌNG NÓI

Âm thanh trong giọng nói được quyết định bởi kích thước của các dây thanh đới và các yếu tố thể chất khác. Mặc dù không thể hoàn toàn thay đổi được giọng nói từ cao thành thấp hoặc ngược lại, bạn vẫn có thể áp dụng một vài phương pháp giúp thay đổi đôi chút về âm sắc và âm lượng để thể hiện chất giọng tự nhiên của bạn sao cho hay nhất.

Nghe xem giọng nói của bạn như thế nào. Nếu muốn thay đổi giọng nói để có âm cao hơn hay thấp hơn, bạn hãy bắt đầu bằng việc ghi âm giọng nói của mình để tìm phương pháp xử lý. Dùng thiết bị ghi âm để ghi lại giọng nói của bạn khi nói nhỏ, nói to và khi hát. Bạn có thể mô tả giọng của mình như thế nào? Bạn muốn thay đổi điều gì?

  • Bạn nói giọng mũi hay giọng ồ ồ?
  • Giọng nói của bạn khó nghe hay dễ nghe?
  • Giọng nói của bạn trong hay nghe lẫn cả tiếng thở?

Bỏ thói quen phát âm qua mũi. Nhiều người có giọng nói có thể mô tả là “giọng mũi.” Giọng mũi thường có âm sắc cao một cách không tự nhiên vì không có đủ độ vang để tạo ra âm trầm. Âm thanh trong giọng mũi nghe the thé và không rõ. Bạn có thể thực hiện một số thay đổi sau đây để loại bỏ âm mũi:

  • Đảm bảo đường thở phải thông thoáng. Nếu bạn thường bị dị ứng hoặc tắc mũi vì lý do nào đó, giọng của bạn sẽ bị nghẹt và trở thành giọng mũi. Bạn hãy chữa bệnh dị ứng, uống nhiều nước và cố gắng giữ cho các xoang được thông thoáng.
  • Tập mở miệng lớn khi nói. Hạ thấp hàm và phát âm ở vị trí thấp trong miệng thay vì ở phần ngạc mềm.

Không phát âm từ cuống họng. Khi sửa giọng nói có âm sắc cao, nhiều người cố tình nói từ cuống họng để có giọng trầm giả tạo. Bạn sẽ khó điều chỉnh được âm lượng thích hợp khi gắng sức nói từ trong cuống họng, điều này sẽ khiến giọng nói như bị nghẹt và khó nghe. Hơn nữa, khi bạn cố làm cho giọng trầm hơn bằng cách phát âm từ cuống họng, các dây thanh âm sẽ bị căng, từ đó có thể gây đau họng và lâu dần sẽ mất tiếng.

Phát âm qua phần “mặt nạ”. Để giọng nói trầm và đầy hơn, bạn cần phát âm qua phần “mặt nạ,” tức là khu vực bao gồm cả hai môi và mũi. Việc sử dụng toàn bộ phần ”mặt nạ” để nói sẽ giúp giọng của bạn có âm thấp hơn và dày hơn.

  • Để biết mình có đang phát âm qua phần “mặt nạ” hay không, bạn có thể chạm vào hai môi và mũi trong khi nói. Bạn sẽ cảm thấy độ rung nếu sử dụng toàn bộ phần này.Nếu ban đầu chưa cảm thấy độ rung, bạn hãy thử nghiệm với nhiều âm thanh khác nhau cho đến khi thấy hiệu quả, sau đó tiếp tục thực hành kiểu nói này.

Phát âm từ cơ hoành. Hít thở sâu và phát âm từ cơ hoành là điều then chốt để có giọng nói đầy đặn, dày và khỏe. Khi thở sâu, phần bụng của bạn sẽ chuyển động lên xuống theo từng hơi thở thay vì ngực. Bạn có thể tập phát âm từ cơ hoành bằng cách thót bụng vào để thở ra trong khi nói. Bạn sẽ nhận thấy rằng giọng nói của mình vang lên to hơn và rõ hơn khi thở kiểu này. Các bài tập hít thở tập trung vào kỹ thuật thở sâu sẽ nhắc cho bạn nhớ phát âm từ cơ hoành.

  • Thở ra, đẩy hết không khí trong phổi ra ngoài. Một khi không khí đã ra hết, hai lá phổi của bạn sẽ tự động hít sâu vào để đáp ứng nhu cầu về không khí. Lưu ý cảm giác trong phổi khi bạn hít một hơi sâu.
  • Hít vào thoải mái và nín thở khoảng 15 giây trước khi thở ra. Tăng dần thời gian đến khi bạn nín thở được 20 giây, 30 giây, 45 giây và cuối cùng là 1 phút. Bài tập này sẽ tăng sức mạnh cho cơ hoành.
  • Cười thoải mái, cố tình tạo ra âm thanh “ha ha ha”. Đẩy hết không khí trong phổi ra ngoài theo tiếng cười, sau đó hít vào sâu và nhanh.
  • Nằm ngửa, đặt một quyển sách hoặc vật cứng lên cơ hoành. Thả lỏng cơ thể. Chú ý vào chuyển động của cơ hoành, theo dõi sự lên xuống của quyển sách khi thở. Thót bụng lại hết sức có thể khi thở ra và lặp lại cho đến khi vòng eo của bạn tự động co và giãn theo từng nhịp thở.
  • Hít vào sâu khi đang đứng. Thở ra, đếm to từ 1 đến 5 trong một nhịp thở. Lặp lại bài tập này cho đến khi bạn có thể đếm thoải mái từ 1 đến 10 trong một nhịp thở.
  • Khi đã quen với cách nói này, bạn sẽ có khả năng phát âm sao cho những người ở đầu bên kia phòng nghe được mà giọng không bị khàn.

Thay đổi cao độ trong giọng nói. Giọng nói con người có khả năng phát ra âm thanh trong một quãng âm vực. Bạn hãy nói với âm cao hơn hoặc thấp hơn để thay đổi giọng tạm thời.

  • Cao độ trong giọng nói thay đổi phần lớn là nhờ sụn thanh quản. Sụn thanh quản là một mẩu sụn có thể cử động lên và xuống trong họng khi bạn hát một thang âm: đồ, rê, mi, pha, sol, la, si, đô.
  • Khi sụn thanh quản được nâng cao, giọng nói cũng có âm cao hơn và giống giọng nữ hơn. Khi sụn thanh quản hạ xuống, âm thanh sẽ thấp xuống và giống giọng nam hơn.

Nguồn: wikihow.vn

Các kỹ thuật để sửa giọng mũi, giọng khó nghe, giọng nói bị lẫn tiếng hơi thở sẽ được HLV Trần Thị Minh Hải chia sẻ trong khoá học Làm chủ giọng nói.

Bookmark the permalink.