BIẾN GIỌNG NÓI THÀNH NHẠC CỤ

Tiến sĩ Mireille Dubois-Chevalier, một chuyên gia tâm lý liệu pháp, đã hào hứng khi nói về giọng ca Frank Sinatra như sau: “Một giọng ca làm mềm lòng phái đẹp. Một giọng ca khơi gợi lên trong khán thính giả một cái gì đó sâu thẳm, như xuất phát từ trong trái tim mình”. Một phần thưởng trời cho chăng? Không chỉ có thế. Chúng ta đều có thể tự mình gọt giũa giọng nói của mình để “bắn” trúng mục tiêu mà mình muốn.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều ao ước có được một vũ khí công hiệu như thế, một giọng nói có thể “vuốt ve” màng nhĩ của người khác, “xuyên thủng” cử tọa, hoặc “áp đặt” được một sự im lặng tuyệt đối trong vài giây. Điều này không vượt quá tầm tay của bạn đâu, bởi tạo hóa đã ban tặng cho con người chúng ta, hơn hẳn loài vật, một hệ thống phát âm tuyệt vời. Bạn chỉ cần biết cách “gọt giũa” nó và sử dụng nó một cách điêu luyện thì sẽ phát huy được tối đa khả năng vận hành của nó. Như tiến sĩ Elisabeth Fresnel, giám đốc một phòng nghiên cứu về giọng nói đã khẳng định: “Thường ngày trong cuộc sống, chúng ta chỉ sử dụng có 20% khả năng phát âm của mình, ngoại trừ những đối tượng phải sử dụng nó trong nghề nghiệp như ca sĩ, diễn viên, chính trị gia hay các phát thanh viên… Rất ít ai trong chúng ta chú ý đến giọng nói của mình vì không thể hình dung ra được những lợi ích mà nó mang lại trong giao tiếp. Lúc thì nên nói giọng trầm, lúc thì nên nói giọng cao, lúc thì phải nhấn giọng chỗ này chỗ kia khi ngạc nhiên, thắc mắc. Tất cả đều có thể làm được. Và quan trọng hơn hết là tất cả những luyến láy đó đều có ích
Nhưng làm cách nào để có được một giọng nói “như ý” lúc bạn cần? Tiến sĩ Yves Ormezzano, một bác sĩ tai-mũi-họng và chuyên gia về ngữ âm học đã có câu trả lời: “Để có thể yêu thích và điều khiển được giọng nói của mình, trước hết, bạn phải biết tự yêu thích bản thân mình. Bạn không thể nói năng một cách lưu loát khi bạn chưa sẵn sàng trút bỏ tất cả những gánh nặng về tâm lý, nếu có. Bạn không thể tự cải thiện ngôn ngữ của mình nếu không biết cách tự thay đổi bản thân mình”. Nên nhớ là cải thiện chứ không phải thay đổi giọng nói.

giọng nói hay
Bạn có đồng ý rằng một giọng nói hấp dẫn không bao giờ là một giọng nói “đồng nhất” cả? Các chuyên gia ngữ âm đều nhất trí với nhau: đừng bao giờ tạo cho người nghe có cảm giác rằng đang nghe bạn đọc một bài văn. Bạn phải nói, phải diễn đạt! Có thể một người nam có một giọng thanh cao tựa như giọng nữ, nhưng vẫn có thể thu hút người nghe nếu như nó có giai điệu, có biến tấu, có truyền tải cảm xúc..
Và một điều quan trọng không kém. Đó là sự im lặng. Những khoảng lặng khi giao tiếp. Nếu như bạn cứ “thao thao bất tuyệt” trong suốt buổi nói chuyện thì chẳng khác nào bạn ru ngủ người khác. Một luật sư bào chữa khẳng định: “Trong một buổi bào chữa trước tòa hay trong một cuộc giao tiếp bình thường, những lần dừng lời nói có tác dụng làm người nghe có một khoảng trống để suy nghĩ và để hiểu những ý tưởng mà mình muốn truyền đạt. Và thao tác này cũng nhằm củng cố và nâng cao vị trí của người nói và tầm quan trọng của ý kiến của họ”.
Thường là những gì mà chúng ta nghe được từ bản thân mình không giống như những gì mà người khác cảm nhận. Và để gây sự chú ý khi nói, bí mật nằm ở chỗ trước hết bạn phải biết cách thở đúng. Bạn phải biết chế ngự được trạng thái stress vì giọng nói đặc biệt chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cảm xúc của bạn, mà khi căng thẳng thì bạn sẽ có hơi thở gấp, hoặc thở hổn hển thì không thể “ăn nói” gì được nữa! Áp dụng những phương pháp tĩnh tâm học như yoga hay thiền cũng rất hiệu nghiệm, giúp bạn kiểm soát được nhịp thở, nếu như bạn là một người quá xúc cảm. Đồng thời, bạn cũng phải có tư thế đúng và những cử chỉ đúng khi diễn thuyết hoặc trò chuyện. Bạn phải tự tin. Không thể vừa nói vừa nhìn xuống đất, thụt cổ, rút vai hay méo miệng! Nếu gặp một bài nói chuyện quá dài, bạn phải biết phân đoạn để có những lúc nghỉ thích hợp. Việc này nhằm 2 mục đích: vừa giúp diễn giả lấy hơi, vừa để tạo ra những tác động gây sự chú ý đối với cử tọa, kêu gọi sự chú ý nhiều hơn của cử tọa.
Điều cũng quan trọng không kém là trước khi phát biểu, bạn phải “hâm nóng” dây thanh của mình trong vòng 5-10 phút bằng cách đứng thẳng trong tư thế thoải mái nhất và làm các động tác khởi động như ngáp, thở bằng bụng, thả lỏng hai vai, lắc lư hai cánh tay, làm chuyển động cơ hàm và cơ mặt. Sau đó, hãy hát khe khẽ những nguyên âm như a, e, i, o, u. Bạn hãy hình dung bạn như một chiếc máy bay đang khởi động trước lúc cất cánh vậy

10 phương pháp giúp bạn có được âm sắc tốt

1. LUÔN GIỮ THẲNG LƯNG
Khi phát biểu, dù là đang đứng hay ngồi, bạn cũng phải giữ cơ thể ở một tư thế “thẳng” hoàn toàn. Khi đó, trục cơ thể, khung chậu và hai bàn chân ở tư thế thoải mái và cơ hoành (cơ hô hấp chính) sẽ hoạt động với hiệu suất tối đa. Luồng hơi phát ra sẽ trọn vẹn, giọng nói của bạn sẽ trở nên linh hoạt, rõ ràng, trôi chảy. 
2. GIỮ TRẠNG THÁI TINH THẦN THẬT THOẢI MÁI
Khi bạn bị xúc động mạnh, sợ hãi hay lo âu, nhịp thở của bạn sẽ đứt quãng khiến giọng nói của bạn bị “biến dạng”, trở nên không tự nhiên, khô cứng và thậm chí câu chữ được dùng sẽ không chính xác. Cho nên, trước khi nói hay diễn thuyết, bạn phải biết thư giãn bằng cách nhắm mắt lại, tập trung tinh thần nhằm kiểm soát được cường độ co cơ và trạng thái tâm lý của cơ thể. Bạn hãy thả lỏng cơ thể, tập thở bằng bụng một cách nhịp nhàng. 
3. HẠ THẤP VAI
Khi hai vai bạn nâng cao, phần cổ sẽ chịu áp lực nặng. Do đó, bạn hãy thong thả người. Hãy hình dung hai cánh tay bạn đang buông xuống chạm mặt đất. Để giọng nói phát ra được tốt, thanh quản phải hoạt động một cách uyển chuyển nhất. 
4. THẢ LỎNG CƠ HÀM
Đương nhiên khi bạn nói mà hai hàm răng bị “dính chặt” thì không thể nào bạn “nhả chữ” ra được. Và nếu như bạn cảm thấy khó mở miệng thì hãy thực hiện thao tác sau đây (một cách kín đáo): tựa hai khuỷu tay lên mặt bàn rồi nhăn mặt lại và dùng các đầu ngón tay “xoa bóp” cả hai hàm trên và dưới. 

giọng nói trầm
5. NỚI LỎNG THẮT LƯNG VÀ CÀ VẠT
Khi cơ bụng bị chèn ép thì cơ hoành sẽ hoạt động khó khăn và luồng không khí sẽ lưu chuyển khó khăn trong buồng phổi. Bạn cũng không nên đeo cà vạt quá chặt để tránh cho cơ ở cổ không bị chèn ép. 
6. MANG GIÀY SAO CHO THOẢI MÁI
Khi chân bạn không thật thoải mái thì thỉnh thoảng bạn sẽ có phản ứng tự nhiên là lúc lắc qua lại đôi chân khiến cơ thể bị mất cân bằng ở một mức độ nào đó khi bạn nói. Vì vậy, kinh nghiệm là không nên đi một đôi giày mới toanh chưa mang lần nào khi đến dự một cuộc gặp quan trọng! 
7. NHÌN THẲNG VÀO MẮT NGƯỜI ĐỐI THOẠI HOẶC CỬ TỌA
Khi bạn nâng cằm quá cao hoặc hạ quá thấp thì thanh quản sẽ bị kéo theo và sẽ ở không đúng vị trí. Tốt nhất là khi bạn nói, cằm và cổ phải tạo thành một góc 90 độ. Và khi bạn muốn quay sang phải hay trái trước cử tọa thì phải quay cả phần thân trên chứ không chỉ quay đầu và cổ mà thôi. 
8. “LÀM NÓNG” DÂY THANH
Nếu như bạn phải phát biểu trong một cuộc họp quan trọng vào buổi sáng thì hãy nhớ trước đó phải “khởi động” giọng nói của mình bằng cách hát thì thầm một khúc nhạc quen thuộc nào đó trước khi nói chuyện khoảng 10 phút. Bạn cũng có thể ngậm miệng lại và phát âm trong miệng: “um, um…” hoặc kéo căng môi sang hai bên và nói “i, i…”. Và sau đó, hãy đọc lại và đọc thành tiếng lớn một đoạn ngắn trong bài phát biểu của mình trước khi vào cuộc họp. 
9. CHÚ Ý CÁCH PHÁT ÂM
Không nên nói quá nhanh hoặc quá chậm. Để chủ động về thời gian, bạn hãy đọc trước bài nói đó ở nhà và bấm đồng hồ đếm giờ để có thể chỉnh sửa nhịp đọc cho hoàn chỉnh, không bị thiếu thời gian. 
10. CÁC KHOẢNG DỪNG
Việc chủ động được các khoảng ngắt câu trong một bài nói chuyện là vấn đề rất quan trọng và sẽ được thực hiện tùy theo ý đồ của diễn giả. Theo nguyên tắc thì khoảng lặng (lúc ngừng nói) là thời điểm ý kiến của bạn có trọng lượng nhiều nhất. Nó có ý nghĩa rằng vấn đề này là quan trọng, và tôi phải dừng lại để suy nghĩ đây; hoặc “quý vị hãy suy nghĩ xem sao”!

(Sưu tầm)

 

Bookmark the permalink.