Bí quyết thành công của ông chủ hãng thời trang Zara

Amancio Ortega sinh ra trong một gia đình nghèo khó. “Cha mẹ tôi đến cửa hàng mua rau và họ nói với mẹ tôi rằng họ sẽ không bán chịu cho mẹ tôi nữa”. Ông phải bỏ học từ năm 13 tuổi vì không đủ kinh tế. Số phận đã đưa ông đến làm việc tại một cửa hàng quần áo và gặp người vợ định mệnh của mình.

Bí quyết thành công của ông chủ hãng thời trang Zara, Amancio Ortega

Năm 1975, vợ chồng ông mở một cửa hàng quần áo tên là Zara. Sau 8 năm mở cửa hàng đầu tiên, ông sở hữu 9 chi nhánh ở Tây Ban Nha. Đến năm 1985, ông thành lập tập đoàn Inditex và dẫn dắt công ty ngày càng phát triển và mở hàng loạt cửa hàng thời trang ở 6 châu lục.

Hầu như không tiếp xúc với báo chí, không mặc đồ Zara, không quảng cáo sản phẩm, không có phòng làm việc riêng… nhưng ông Amancio Ortega lại rất thành công trong kinh doanh và trở thành người giàu thứ 7 thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes vào năm 2011.

Vậy bí quyết thành công của ông là gì?

1. Làm gì cũng nhanh

“Làm gì cũng nhanh, nhưng vẫn đi đôi với chất lượng” – đó là phương châm kinh doanh của Zara. Ông Ortega yêu cầu nhân viên phải làm việc chăm chỉ, hoàn thành và phân phối các sản phẩm tới cửa hàng chỉ trong 2 ngày. Cứ 2 tuần, ông sẽ tung ra một bộ sưu tập sản phẩm mới. Nhờ vậy mà khách hàng không thấy nhàm chán, thậm chí có xu hướng quay lại mua liên tục.

Tuy là hãng thời trang giá rẻ, người mua vẫn cảm thấy hài lòng vì cách thiết kế của Zara vẫn mang lại vẻ chỉn chu, sang trọng. Được biết, tập đoàn Inditex có 300 nhà thiết kế làm việc ở Arteixo, bên cạnh 100 nhà thiết kế ở Barcelone và đưa ra khoảng 40.000 mẫu thiết kế một năm. Chỉ 1/3 số mẫu đó được tung ra thị trường. Thời gian từ khi thiết kế đến khi đưa sản phẩm ra thị trường rất ngắn, có khi chỉ vỏn vẹn 11 ngày. Đa dạng và thường xuyên thay đổi mẫu mã cũng chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Zara.

2. Đẩy mạnh việc bán qua mạng

Các ông lớn trong làng như Gucci, Chanel, Dior… dành cả năm trời để chuẩn bị một bộ sưu tập lên sàn diễn thời trang. Ông chủ Zara không tiêu tốn tiền vào các sự kiện xa hoa như vậy, ông đẩy mạnh việc bán hàng qua internet. Các công đoạn để tạo ra một sản phẩm thời trang của Zara đều phải trọn gói và khép kín, từ khảo sát, thiết kế, sản xuất cho đến bán lẻ trực tiếp. Cũng nhờ cắt giảm các chi phí quảng cáo, trình diễn thời trang, thuê người mẫu, làm khép kín sản phẩm nên giá thành các sản phẩm của Zara khá rẻ so với các đối thủ cùng phân khúc.

3. Gần gũi với nhân viên

Ông chủ Zara thường được gọi với biệt danh “tỷ phú bí ẩn” vì rất ít khi xuất hiện trước truyền thông. Nhưng với nhân viên thì khác. Ông Ortega thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với các nhân viên. Ông Ortega vẫn giữ một bàn làm việc ở trước cửa phòng riêng tại Cube. Ông ngồi giữa các nhà thiết kế, nhân viên marketing, nhân viên lên kế hoạch. Ông được đánh giá là người thân thiện và gần gũi. Ông chỉ lui tới một quán cà phê duy nhất và thường xuyên dành thời gian ăn trưa với nhân viên. Dù sở hữu chuyên cơ riêng nhưng ông Ortega hiếm khi đi du lịch. Ông chia sẻ mình thích cảm giác bận rộn với công việc hơn là phí phạm thời gian để đi chơi.

Bí quyết thành công của ông chủ hãng thời trang Zara, Amancio Ortega

4. “Khách hàng là thượng đế”

Ông Ortega luôn nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng ăn mặc của khách hàng. Ông thường không dựa nhiều vào các thiết kế từ các tuần lễ thời trang, mà luôn tìm kiếm thông tin từ những fashionista đường phố nổi tiếng trong lĩnh vực này.

“Chính khách hàng mới là người điều khiển hướng kinh doanh của công ty”, ông Ortega đã viết như vậy trong bản báo cáo thường niên năm 2009 của Intidex. Trong bản báo cáo năm 2010, ông lại nhấn mạnh: “Khách hàng là mối quan tâm hàng đầu của công ty, kể cả trong việc sáng tạo các bộ sưu tập thời trang, cho đến việc trang trí cửa hàng và mọi hoạt động khác”.

5. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu

“Tôi chưa bao giờ cho phép bản thân hài lòng với những gì mình đang có, và tôi luôn cố gắng giúp những người làm việc cùng tôi có cùng suy nghĩ như vậy”.

Với hơn 7.000 cửa hàng Zara, Massimo Dutti và Pull&Bear tại 100 quốc gia, đế chế thời trang Inditex (công ty mẹ) của ông Ortega mang về lợi nhuận gần 20 tỷ USD chỉ riêng tài khóa 2015. Những thành tích đáng nể này không từ trên trời rơi xuống. Ông chủ Zara khởi nghiệp ở tuổi 40 và phải vật lộn 10 năm đầu tiên để duy trì và gây dựng tên thương hiệu cho mình. “Tiếp tục phát triển hoặc là chết. Nếu như bạn muốn sáng tạo, đừng cố tập trung vào kết quả”, ông Ortega nhấn mạnh.

Hiện nay, Inditex là tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới với hệ thống 7.200 cửa hàng ở 93 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo trithuc

Bookmark the permalink.